Đây là một trong những vấn đề quan trọng được “mổ xẻ” nhiều nhất tại hội nghị triển khai Đề án phát triển thương hiệu gạo VN do Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN và Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức ngày 20.10 tại TP.Rạch Giá (Kiên Giang).
Theo Bộ NN-PTNT, hiện VN là một trong 3 nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo (cùng với Thái Lan và Ấn Độ), với sản lượng từ 6 - 8 triệu tấn gạo, mang về kim ngạch 3 - 3,7 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, nghịch lý là VN vẫn chưa có thương hiệu gạo quốc gia; gạo VN xuất khẩu nhiều nhưng giá rẻ, đời sống nông dân vẫn rất khó khăn. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu gạo VN là cần thiết và rất cấp bách.
Mục tiêu của Đề án phát triển thương hiệu gạo VN là đến năm 2020 thương hiệu gạo VN sẽ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại VN và ít nhất 50 quốc gia khác; có ít nhất 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo VN và tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu; đến năm 2030 sẽ có vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, bền vững, đưa gạo VN thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm…
Tuy nhiên, đề án trên vẫn còn một số vấn đề khiến doanh nghiệp băn khoăn. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, hiện VN chưa có các trung tâm kiểm định chất lượng gạo đạt chuẩn quốc tế, muốn xuất khẩu vào các thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cao thì doanh nghiệp phải gửi mẫu đi kiểm định ở nước ngoài vừa tốn tiền, vừa mất thời gian…
Đình Tuyển - Hải Lăng
Nguồn: http://thanhnien.vn/