Quy trình sản xuất bún khô
Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề làm bún khô, chúng tôi xin được chia sẻ quy trình về nghề làm bún khô tới các bạn. Nghề làm bún không khó, mỗi người thợ làm nghề sẽ có những bí quyết riêng cho mình đề làm sao có được những sản phẩm mang hương vị đặc trưng của tay thợ.
Trước tiên, là quy trình chọn gạo. Chúng tôi luôn luôn chọn những loại gạo khô (thường là gạo Q5 hoặc gạo Ải). Gạo được xay xát không kỹ như để nấu cơm, nhưng cũng không quá rối như gạo rượu (gạo dùng để nấu rượu). Trong quá trình vo gạo, phải nhặt sạch chấu, thóc, sạn,… Sau đó ngâm gạo trong vài giờ, nước ngâm gạo phải là nước sạch (ngày trước thì chúng tôi sử dụng nước mưa, giờ thì sử dụng nước máy) để cho bún có màu trắng sạch. Sau đó, vớt gạo ra và để ráo nước, rồi đưa vào nghiền kỹ, ngâm lọc đúng và đủ thời gian. Tiếp theo là công đoạn ép bột. ép bột bằng máy ép sao cho bột vừa khô tới để đủ độ chín thì bún mới ngon, trắng và dai sợi.
Công đoạn thứ 2, cho bột vào máy để đùn. Bún có sợi to hay nhỏ là do mình sử dụng sàng bún. Sợi bún ra đến đâu cắt với độ dài vừa đủ. Xếp gọn bún vào một chỗ. Ủ bún trong thời gian nhất định.
Công đoạn thứ 3. Vò bún và phơi bún. Nước để vò bún phải là nước sạch (nước máy hoặc nước mưa) để cho sợi bún sạch và trắng. Sau đó cho vào xào tre để phơi bún. Phơi trong thời gian vừa đủ để bún không quá giòn (sẽ bị gãy) hoặc không quá ẩm (nếu ẩm thì bún sẽ bị mốc và không có mùi thơm). Chú ý, khi thu bún thì phải để thời gian cho bún nguội sau đó mới đóng gói thành phẩm.
Nguồn: Bún khô Nguyễn Gia