Cách nhận biết bún chứa độc chất gây ung thư


Theo các chuyên gia hóa học, bạn không nên mua loại bún có sợi trắng bóng, óng ánh dưới ánh sáng mặt trời, không có mùi chua.
Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Tây Ninh vừa công bố kết quả kiểm nghiệm các mẫu bún được thu thập từ các cơ sở sản xuất bún, hủ tiếu, bánh canh, bánh canh xắc trên địa bàn thị xã Tây Ninh trong tháng 5. Kết quả xét nghiệm mẫu bún lấy từ 2 cơ sở cho thấy có chất huỳnh quang (Tinopal) - một loại hóa chất có khả năng gây ung thư. Ngoài ra, còn có chất chống mốc (Sodium benzoat) và hàn the.

Tiến sĩ Nuyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, Tinopal là chất được dùng trong công nghiệp sơn, sản xuất vải, giấy… vì có màu óng ánh, đẹp. Chất này tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm. Lâu nay để tăng độ dai cho bún, người sản xuất thường dùng hàn the và chất tẩy bột trắng sunfit.

Chất Tinopal - huỳnh quang cho vào chỉ cải thiện độ bóng bề mặt sợi bún, làm cho sợi bún hấp dẫn về mặt hình thức song chất này rất nguy hại, có khả năng gây ung thư. Đáng lo ngại, bún lại được xếp vào danh sách nhóm thực phẩm thường xuyên dùng của người dân, nhất là trong mùa hè. Còn Sodium benzoat theo quy định của Bộ Y tế là chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng vào một số nhóm thực phẩm như sản xuất mì và các sản phẩm tương tự để chống vi sinh vật, chống thiu và chua.






Bún có màu trắng bất thường có thể chứa hóa chất gây độc. Ảnh minh họa: Cao Lâm.

Theo các chuyên gia, bún trước đây làm bằng gạo nguyên chất, sợi bún có màu trắng đục chứ không trong như hiện nay. Bún được làm bằng bột khoai mì tươi, bột lọc sợi bún thường có màu đen, dễ bị nát vụn. Còn loại bún có hóa chất Tinopal nhìn rất trắng, bóng đẹp, hoàn toàn không để lại mùi vị, khi đưa ra ánh sáng mặt trời sợi bún thường trắng óng ánh. Loại bún ngon nhìn thường có màu trắng ngà của bột gạo, làm bằng bột gạo thơm, dẻo và nhanh có mùi chua. Bún có hóa chất Tinopal thì để lâu khó thiu mà sẽ chuyển sang màu xanh, khô cứng.

Hóa chất Tinopal nguy hại nhưng lại được các trang mạng rao bán rất nhiều, giá khoảng 600.000 đồng một kg. Theo tiết lộ của một chủ xưởng chuyên làm bún thì hóa chất này có bán tại các chợ đầu mối với tên là Tinopal-DMS, Tinopal-AMS... giá 400.000-550.000 đồng một kg.


Phó giáo sư Hoàng Đức Như, Phó Chủ tịch Hội dinh dưỡng TP HCM cho biết, trong danh mục cho phép của Bộ Y tế vẫn có một số chất khác có thể làm trắng bún nhưng đắt tiền nên người sản xuất không chọn. Việc tẩy trắng bún, bánh canh bằng chất huỳnh quang là một hành động gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng, làm hư hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột có thể dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày. Đặc biệt có thể làm tổn thương nhung mao khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ, tiêu hóa thức ăn và các chất dinh dưỡng.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh cũng cho biết, nếu ăn bún chứa chất huỳnh quang lâu dài sẽ gây suy gan, thận, cơ thể mệt mỏi và cả bệnh ung thư. Tùy theo lượng độc tố vào cơ thể mà có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính. Hơn nữa, đây là một chất dùng trong công nghiệp nên khó tránh khỏi trong đó có chứa các tạp chất gây hại cho sức khỏe. Hàn the khi vào cơ thể không đào thải hết mà tích tụ lại gây ngộ độc cấp tính với liều lượng thấp (khoảng 5g) và ngộ độc trường diễn làm cơ thể mệt mỏi, chán ăn, trẻ chậm phát triển, ảnh hưởng đến gan, thận…

Ông Thịnh cho hay chất Tinopal dễ dàng nhận biết vì bản thân chất Tinopal là màu phát huỳnh quang, để trong bóng tối có khả năng phát ánh sáng. Khi mua bún, người tiêu dùng nên dùng đèn cực tím như đèn soi tiền chiếu vào, nếu thấy bún phát sáng thì có nhiễm chất Tinopal. Với hàn the, người tiêu dùng có thể dùng que thử hoặc dùng bột nghệ cho vào, nếu thấy bún chuyển sang màu xám thì trong đó có chứa hàn the.

Theo tiết lộ của một chủ cơ sở sản xuất bún ở Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội), quy trình làm bún bắt đầu bằng việc lựa gạo, lựa nước. Bún muốn ngon thì gạo phải được ngâm ủ trong khoảng thời gian 48-72 giờ. Sau đó đem gạo đi xay sẽ được một hỗn hợp bột nước. Sau khi tách nước, hỗn hợp bột còn lại sẽ được cho vào máy ép, kéo sợi. Nước rửa sợi bún sau khi đã được nấu chín phải là loại nước uống được. Làm như thế, bún sẽ có độ dai, giòn tự nhiên và rất ngon.

Nhưng hiện nay, thường người ta chỉ ngâm gạo trong vòng vài tiếng để rút ngắn quy trình sản xuất. Sau đó đem xay, tách nước rồi cho bột năng, bột lọc vào để tạo ra sợi. Nhiều cơ sở thay vì dùng bột gạo hoàn toàn còn pha trộn thêm bột mì, bột lọc vì giá rẻ hơn gạo. Ngoài ra sẽ dùng hóa chất để tăng độ hấp dẫn của bún. Hiện giá bún nguyên chất xuất xưởng là 7.000 đồng một kg, bún có pha chế thêm bột mì rẻ hơn 2.000-3.000 đồng.

Theo Gia đình & Xã hội